Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Giáo xứ Phú Sơn : Thánh Lễ Tạ Ơn 40 Năm Thành lập và Ban Bí Tích Thêm Sức

Giáo xứ Phú Sơn : Thánh Lễ Tạ Ơn 40 Năm Thành lập và Ban Bí Tích Thêm Sức

Lúc 8g30’ sáng thứ Sáu 24/6/2014, giáo xứ Phú Sơn vui mừng đón Đức Cha về dâng thánh lễ tạ ơn mừng 40 năm thành lập giáo xứ và ban Bí tích Thêm sức cho 63 con em của giáo xứ.

Niềm vui của giáo xứ được nhân lên nhiều nhờ sự hiện diện của Cha Quản hạt Phú Thịnh, quý Cha, quý tu sĩ và quý khách xa gần. Đặc biệt, rất nhiều người con của giáo xứ trong đó có các tu sỹ và những người đã từng sống tại giáo xứ Phú Sơn cũng hân hoan trở về để dâng lời tạ ơn.

Lời tạ ơn nhân dịp 40 năm thành lập giáo xứ càng đậm nét hơn với ngôi thánh đường mới được trùng tu và sẽ được Đức Cha Giuse làm phép trong thánh lễ. Nhân dịp này, Nhạc đoàn của giáo xứ Phú Sơn với 30 anh em cùng Kèn Tây chính thức được giới thiệu và phục vụ trong Thánh Lễ.

Qúa trình hình thánh giáo xứ Phú Sơn
Năm 1969-1975 : Một số giáo dân từ Sài Gòn, Biên Hòa… đổ về làm ăn sinh sống theo chương trình khai hoang kinh tế mới. Ban đầu là giáo điểm rồi trở thành giáo họ Vinh Sơn thuộc Giáo Xứ Bùi Chu.
Năm 1972, Cha Anrê Đoàn Thanh Điện đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Nguyện họ Vinh Sơn.
Cuối năm 1972: Cha Gioan Bosco Bùi Thanh Sơn về giúp mục vụ 2 năm. Tháng 10/1975: Cha Micae Trần Đình Cường Phùng về giúp mục vụ.
Ngày 22/06/1976: Cha Gioan B. Đinh Tiến Hướng chính thức về phụ trách giáo xứ. Từ đó Phú Sơn chính thức trở thành giáo xứ. Cha Gioan B. trông coi giáo xứ đến tháng 4/2002.
Từ tháng 4/2002: Cha Phêrô Cao Thọ Lành nhậm chức chánh xứ Bắc Hòa, đồng thời quản nhiệm Giáo xứ Phú Sơn cho đến 10/12/2008.
Từ 10/12/2008: Cha Gioan B. Nguyễn Văn Bình về làm Chánh Xứ cho đến ngày 18/09/2013.
Từ 20/09/2013: Cha Hiêrônimô Nguyễn Quang Hòa về coi sóc giáo xứ cho đến nay.

Nghi thức Làm Phép Nhà Thờ
Trong bầu khí Phụng vụ ngày lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, đoàn rước Đức Cha tiến bước với ca khúc “Lên đền”. Thánh lễ bắt đầu với nghi thức Đức Giám mục Làm Phép Nhà Thờ. Việc làm phép Nhà Thờ hướng cộng đoàn đến đền thờ đích thực là chính tâm hồn mỗi người. Việc đại tu Nhà Thờ nhắc nhở từng người con dân giáo xứ biết liên lỉ thanh tẩy tâm hồn mình khỏi mọi tội lỗi và trang điểm nó bằng các nhân đức, để trở nên thánh điện Chúa ngự.

Theo nội dung các bài đọc Lời Chúa lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, Đức Cha giáo phận mời gọi cộng đoàn nhận ra hồng ân Chúa đã thực hiện nơi Thánh Gioan Tẩy Giả thật lạ lùng, cũng được khắc hoạ nơi cộng đoàn giáo xứ Phú Sơn cho đến ngày hôm nay, cách riêng qua việc mọi người trong giáo xứ đồng tâm đồng sức để trùng tu ngôi Thánh Đường trở nên khang trang xứng đáng để giáo xứ có nơi thờ phượng Chúa.

Nghi thức ban Bí tích Thêm Sức
Niềm hân hoan tạ ơn của giáo xứ đáng ghi nhớ hơn với 63 con em được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Vì chưng, chính Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá làm cho mọi công trình xây dựng cũng như tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ xứng đáng được Thiên Chúa ngự trị.

Tạ ơn Chúa, tri ân mọi người: đại diện Giáo xứ đã dâng lời cám ơn Đức Cha Giuse, Cha Quản hạt, Quý Cha, Quý Tu Sỹ, cùng tất cả mọi người, cách này cách khác đã góp phần xây dựng giáo xứ Phú Sơn được như ngày nay. Đặc biệt, cộng đoàn giáo xứ tri ân và chúc mừng cha Gioan B. Đinh Tiến Hướng là Cha chánh xứ tiên khởi nhân ngày lễ Quan Thầy. Cám ơn các Hội Dòng DON BOSCO, LASAN Việt Nam, ĐAMINH Tam Hiệp, Mến Thánh Giá Tân Lập đã góp phần rất lớn trong việc hình thành, xây dựng giáo xứ cho đến ngày nay.

Trong lời huấn dụ, Đức Cha Giuse nhắn nhủ cộng đoàn tiếp tục hiệp nhất và sống yêu thương, có lòng thương xót để giáo xứ trở thành cộng đoàn chứng nhân cho các anh chị em lương dân và di dân trong địa bàn giáo xứ.

Sau Thánh Lễ, Đức Cha Giuse và Quý Cha cùng cộng đoàn tiếp tục chia sẻ niềm vui tạ ơn trong bữa tiệc thật đầm ấm. 
Nhờ sự bảo trợ của Đức Mẹ Phù Hộ và lời cầu bầu của Thánh Vinh Sơn, Quan Thầy Giáo xứ, nguyện xin Chúa tiếp tục tuôn đổ hồng ân xuống trên giáo xứ Phú Sơn.
Truyền thông Gx. Phú Sơn


















Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Ý cầu nguyện của Đức giáo hoàng trong năm 2014



Ý cầu nguyện của Đức giáo hoàng trong năm 2014
THÁNG GIÊNG
– Ý chung: Cầu cho việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế chính đáng là tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người và của mọi dân tộc.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất theo ý muốn của Chúa Kitô.
THÁNG HAI
– Ý chung: Cầu cho Giáo Hội và xã hội biết tôn trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người cao tuổi.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cộng tác với nhau cách quảng đại trong việc loan báo Tin Mừng.
THÁNG BA
– Ý chung: Cầu cho tất cả mọi nền văn hoá biết tôn trọng các quyền và phẩm giá của người phụ nữ.
– Ý truyền giáo: Cầu cho có nhiều người trẻ biết đón nhận lời mời gọi của Chúa dâng hiến đời sống mình để rao giảng Phúc Âm.
THÁNG TƯ
– Ý chung: Cầu cho các nhà cầm quyền thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo vệ và phân phối đồng đều các của cải và những tài nguyên thiên nhiên.
– Ý truyền giáo: Cầu xin Chúa Kitô Phục Sinh ban dồi dào niềm hy vọng trong tâm hồn cho tất cả mọi người đang gặp thử thách vì đau khổ và bệnh tật.
THÁNG NĂM
– Ý chung: Cầu cho các phương tiện truyền thông trở nên những công cụ phục vụ cho sự thật và hoà bình.
– Ý truyền giáo: Cầu xin Đức Maria là Ngôi sao loan báo Tin Mừng, hướng dẫn Giáo Hội trong việc rao giảng Chúa Kitô cho mọi dân tộc.
THÁNG SÁU
– Ý chung: Cầu cho những người thất nghiệp nhận được sự trợ giúp và tìm được công ăn việc làm để sống xứng với phẩm giá của mình.
– Ý truyền giáo: Cầu cho Âu Châu tái khám phá ra căn cội Kitô giáo của mình qua chứng tá đức tin của các tín hữu.
THÁNG BẢY
– Ý chung: Cầu cho các bộ môn thể thao luôn là những cơ hội để xây đắp tình huynh đệ và phát triển con người.
– Ý truyền giáo: Cầu xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ các anh chị em giáo dân trong việc rao giảng Tin Mừng tại các quốc gia nghèo khổ nhất.
THÁNG TÁM
– Ý chung: Cầu cho những người tị nạn, buộc phải rời bỏ quê hương mình vì bạo lực, nhận được sự tiếp đón quảng đại và bảo đảm được các quyền lợi của mình.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu tại Châu Đại Dương biết hân hoan truyền bá đức tin cho các dân sống trong đại lục mình.
THÁNG CHÍN
– Ý chung: Cầu cho những người thiểu năng trí khôn nhận được tình thương yêu và sự trợ giúp cần thiết để sống cho xứng đáng.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu, được Lời Chúa thôi thúc, biết phục vụ những người nghèo khổ.
THÁNG MƯỜI
– Ý chung: Cầu xin Chúa ban hoà bình cho những nơi trên thế giới đang bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực.
– Ý truyền giáo: Cầu cho Ngày Thế giới Truyền giáo đánh động mọi tín hữu niềm khát khao và nhiệt tâm mang Tin Mừng đến cho toàn thể thế giới.
THÁNG MƯỜI MỘT
– Ý chung: Cầu cho những người cô đơn được cảm thấy Chúa gần gũi và nhận được sự trợ giúp của tha nhân.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các chủng sinh và tu sĩ trẻ có được những nhà đào tạo tài giỏi và khôn ngoan.
THÁNG MƯỜI HAI
– Ý chung: Cầu xin sự ra đời của Đấng Cứu Thế mang lại ơn an bình và niềm hy vọng cho mọi người thành tâm thiện chí.
– Ý truyền giáo: Cầu cho các bậc làm cha mẹ trở nên những nhà truyền giáo đích thực, truyền thông đức tin là món quà quý giá nhất cho con cái mình.
(Osservatore Romano, 27-02-2013)

Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm chuyển dịch

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

LẬP BÀN THỜ CHÚA TẠI TƯ GIA


Trích trong GIA ĐÌNH VỚI VIỆC THỜ PHƯỢNG
Linh mục Đaminh Đinh Văn Vãng

1.Bàn thờ Chúa:
Người tín hữu Công giáo nên lập một bàn thờ Chúa tại nơi xứng hợp trong nhà mình. Có thể là phòng khách, tại sân thượng hay dành một phòng dành riêng cho việc thờ phượng. Trên bàn thờ luôn phải có một tượng Chúa Giêsu. Tốt nhất là tượng Chúa Chịu Nạn hay tượng Chúa Phục Sinh ở vị trí trung tâm. Ngoài ra cũng có thể đặt thêm một ảnh tượng Đức Mẹ, thánh Giuse hay thánh Bổn mạng của gia đình. Phải liệu sao cho các ảnh tượng có cùng kích cỡ tương xứng với bàn thờ.
2.Bàn kính Tổ tiên:
Gần đây, Hội thánh cho phép các Gia đình tín hữu được lập thêm bàn Kính Tổ tiên. Trên Bàn này có trưng bày di ảnh của ông bà cha mẹ và những người thân trong gia đình đã qua đời, để con cháu dễ tưởng nhớ cầu nguyện cho các ngài mỗi khi đọc kinh tối gia đình hay trong lễ nghi cưới hỏi. Mỗi gia đình Công giáo Việt Nam nên lập một bàn thờ Kính Tổ tiên, nhưng tránh để người ngòai phê bình về đức tin lệch lạc qua cách xếp đặt bàn kính nhớ này. Nên lập bàn Kính Tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Các ngày Tết ngày giỗ nên tổ chức đọc kinh trước bàn thờ Chúa và bàn kinh Tổ tiên . Cũng có thể đốt một cây nhang cháy cả ngày trên bàn này cho ấm cúng. Hành vi nói trên nhằm giáo dục con cháu tưởng nhớ biết ơn các bậc tiền nhân, và từ đó biết ơn chính Thiên Chúa là nguồn gốc muôn loài muôn vật, đặc biệt là loài người chúng ta.
Nên trưng bày đèn nến và hoa trái trên bàn Kính Tổ tiên, nhưng không được nổi hơn bàn thờ Chúa. Khi cúng lễ, cần nhắc cho mọi người trong gia đình ý thức rằng: Giáo lý Công giáo dạy người quá cố không thể hưởng dùng các thức ăn vật chất, biểu lộ lòng thành kính của con cháu đối với Ông bà Tổ tiên mà thôi. Các ngài chỉ mong con cháu làm nhiều việc lành phúc dức để cầu nguyện cho các ngài như: Viếng nhà thờ lãnh ơn đại xá, xin lễ, đọc kinh giỗ, làm các việc bác ái từ thiện, chia sẻ cơm áo cho người nghèo… Nhờ đó linh hồn các ngài sẽ được Chúa chiếu soi và gia tăng lòng mến. Chính nhờ lòng mến Chúa mà các ngài sẽ được thanh luyện khỏi tội lỗi và sớm được hưởng thánh nhan Thiên Chúa. Khi cầu nguyện cho các linh hồn tiên nhân, con cháu cũng được các ngài cầu cùng Chúa ban muôn ơn lành hồn xác cho mình theo tín điều “các thánh cùng thông công”.
Lễ Gia tiên thường do gia trưởng chủ lễ. Khi cha mẹ vắng mặt thì con trai hay con dâu trưởng sẽ chủ sự cầu nguyện và lễ bái hương.
3.Làm phép ảnh tượng:
Các tín hữu nên chọn mua những ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh vừa mỹ thuật vừa giúp nâng tâm hồn lên khi cầu nguyện. Phải nhờ Linh mục làm phép các tượng ảnh mới mua để dùng vào việc thờ kính. Khi làm phép cần mở ảnh tượng để Linh mục thẩm định vẻ đẹp và đạo đức của ảnh tượng. Chỉ những ảnh tượng thanh thóat giúp nâng tâm hồn lên và phù hợp với truyền thống Công giáo mới được làm phép. Nghi thức Làm Phép Tượng Ảnh gồm một lời cầu xin Thiên Chúa chấp nhận tượng ảnh này trở thành biểu tượng của Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay các Thánh. Cuối cùng, Linh mục rảy nước thánh xin Chúa thánh hóa các tượng ảnh để dùng thờ phượng Chúa và kính nhớ Đức Mẹ và các thánh.
4.Số ảnh tượng trên bàn thờ:
Bàn thờ trong gia đình phải liệu sao cho đơn giản hài hòa. Chỉ cần một tượng Chúa tử nạn, Phục Sinh hay làm Vua cũng đủ để làm việc thờ phượng. Vì điều thứ nhất trong 10 điều răn dạy ta chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng Hằng Hữu (x Ga 8,58), là hình ảnh của Chúa Cha (x Ga 14,9), nên ta phải tôn thờ Thiên Chúa qua hình ảnh Chúa Giêsu. Luật phụng vụ dạy rằng: Trên bàn thờ không nên đặt nhiều tượng ảnh, cũng không được đặt quá một tượng ảnh của cùng một vị Thánh.
5.Cách xếp đặt ảnh tượng:
Cách thức xếp đặt ảnh tượng của Chúa, Đức Mẹ và các thánh trên bàn thờ phản ảnh đức tin của gia trưởng và các thành viên trong gia đình. Phải liệu sao để tượng của Chúa Giêsu ở vị trí trung tâm vì Người là đối tượng để tôn thờ. Còn Đức Mẹ và các thánh chỉ là người phàm, là “tôi tớ hèn mọn” của Thiên Chúa (x Lc 1,37.48), được đặt trên bàn thờ không phải để tôn thờ, nhưng để kính nhớ và học tập nhân đức thánh thiện của các ngài. Chẳng hạn:
Trong hang đá Belem, ngòai Hài Nhi Giêsu nằm trong nôi, còn có Đức Maria và thánh Giuse bên cạnh con như Tin mừng Máttkêu ghi nhận: “Các đạo sĩ đã vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhữ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt  2,11) hay trên núi Sọ ngòai Chúa Giêsu còn có Đức Mẹ và các thánh như Tin mừng Gioan tường thưật: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng:”Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ:”Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).
6.Vai trò của Đức Mẹ và các Thánh:
Xưa trong tiệc cưới Cana, chính Đức Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho đôi tân hôn, và Chúa Giêsu nghe lời Đức Mẹ bầu cử đã làm phép lạ biến nước lã thành rượu nho để giúp đôi tân hôn, dù chưa tới Giờ hành động của Người như Tin mừng Gioan viết: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp: “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Con? Giờ của Con chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (x Ga 2,1-5). Cuối cùng, chính nhờ lời cầu bầu của Đức Maria và nhờ biết xin vâng lời Chúa của gia nhân mà đôi tân hôn đã được hưởng phép lạ “biến nước thành rượu” của Chúa Giêsu (x Ga 2,11).
Trong thánh lễ, Hội thánh cầu cùng Thiên Chúa ba Ngôi: “Xin Chúa thương xót chúng con”. Nhưng trong kinh Kính mừng Hội thánh lại dạy các tín hữu cầu với Đức Mẹ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…”.
Trong kinh cầu Đức Bà hay kinh cầu các thánh, các tín hữu đáp “Thương xót chúng con” khi nghe câu xướng Thánh Danh Chúa Ba Ngôi và Chúa Giêsu, nhưng lại thưa: “Cầu cho chúng con” khi nghe các câu xướng danh Đức Mẹ và các Thánh.
Sau khi Chúa về trời. Đức Mẹ đã hiệp cùng Hội thánh sơ khai trong nhà tiệc ly để xin Chúa Thánh Thần hiện xuống (x CV 1,14), thì nay Hội thánh cũng luôn hiệp thông với Đức Mẹ và các Thánh khi dâng lời cầu nguyện với Thiên Chúa và Chúa Giêsu.

Sưu tầm

NGHI THỨC CƯỚI HỎI CÔNG GIÁO


NGHI THỨC RƯỚC DÂU, NHẬP GIA,
LỄ GIA TIÊN CÔNG GIÁO
 
Phần 1:
Trang trí bàn thờ


Đa số các gia đình Công giáo không có bàn thờ tổ tiên, nhưng trong nghi thức rước dâu và lễ gia tiên của chúng ta lại có phần nghi thức kính nhớ ông bà tổ tiên, có phần lên đèn, thắp hương lạy tổ tiên ông bà theo tục cổ truyền, vì vậy chúng ta phải lập thêm 1 bàn thờ phía dưới bàn thờ Chúa để tưởng nhớ tổ tiên ông bà và cũng là bàn thờ tơ hồng, bàn thờ này đơn sơ thôi, có 1 bình hoa, 1 đĩa quả, bộ lư, cặp đèn Long Phụng (nhà trai thì cắm sẳn đèn trên bàn thờ còn nhà gái thì để không, vì cặp đèn này sẻ do nhà trai đem qua) 3 nén hương lớn để sẳn trên bàn thờ. Bàn thờ Chúa thì chúng ta trang hoàng thêm cho lộng lẫy, có 1 bình hoa tươi (không để trái cây trên bàn thờ Chúa). Nếu cần thiết cho thêm hàng chữ ”Thiên Chúa là tình yêu” hoặc ”Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”, bàn thờ tổ tiên này cả nhà trai và nhà gái đều lập và tương đối giống nhau. Các mâm quả và hoa cầm tay thì theo như nghi thức cổ truyền.

Phần 2:
Lễ rước dâu (Xuất giá) tại nhà gái
Đoàn rước dâu của họ nhà trai đến ngoài cổng nhà gái thì người trưởng tộc hoặc đại diện họ nhà trai đi cùng chú rễ phụ, chú rễ phụ này cầm theo khay rượu trầu vào gặp trưởng tộc nhà gái để xin vào tiến hành lễ rước dâu, trưởng tộc nhà trai mời trưởng tộc nhà gái uống 1 chung rượu và miếng trầu. sau khi được nhà gái chấp thuận vị trưởng tộc nhà trai trở ra đi cùng đoàn nhà trai vào, trưởng tộc cùng cha mẹ chú rễ và chú rễ vào trước, mâm quả của họ nhà trai được trao cho nhà gái và đoàn người rước dâu cùng vào. Tất cả mâm quả đều đặt trước bàn thờ Chúa và tổ tiên.
Nhà trai ngỏ lời và giới thiệu sính lễ:
Trưởng tộc nhà trai nói”Kính thưa quý ông bà và quý họ nhà gái, nhờ ơn Chúa và sự sắp đặt của gia đình, hai cháu …. Và ….. đã nên vợ chồng.
Qua mối dây liên kết thánh thiện này, hai gia đình và hai họ chúng ta cũng được gần gũi liên hệ mật thiết với nhau. Hôm nay chúng tôi, họ nhà trai xin đưa sính lễ đến chào mừng và cám ơn gia đình cũng như quý họ”.
Nhà gái đáp lời: ”Kính thưa quý ông bà và quý họ nhà trai. Chúng tôi thành thật cám ơn họ nhà trai đã có lòng thương đến con gái chúng tôi và trao tặng sính lễ, chúng tôi rất hân hạnh và xin đón nhận”.
Trưởng tộc nhà trai giới thiệu đoàn rước dâu nhà trai và trưởng tộc nhà gái giới thiệu thành phần gia đình họ nhà gái trong buổi lễ.
Cha hoặc mẹ chú rể mở mâm quả, nhớ mở mâm có chiếc áo dài để nhà gái đưa vào trong cho cô dâu mặc trước khi ra mắt gia đình đàng trai, cặp đèn để cho họ nhà gái chuẩn bị lên đèn, mở hết sính lễ, trừ mâm trầu cau (để chú rễ và cô dâu mở). Trong khi cô dâu thay áo dài và trang điểm, gia đình 2 họ dùng tiệc trà và trò chuyện. Sau khi cô dâu mặc áo dài xong, nhà gái xin phép cho cô dâu ra mắt.
Mẹ chú rễ tặng trang sức cho cô dâu, (đến phần này theo nghi thức cổ truyền là cô dâu chú rễ đeo nhẫn cho nhau, nhưng người công giáo chúng ta không làm và nghi thức này sẽ được tiến hành trong nhà thờ) cô dâu và chú rể đốt 2 cây nến cháy đều 1 lúc (nên nhớ 2 cây nến này là nến long phụng đốt rồi cắm trên bàn thờ tổ tiên tơ hồng, còn nến trên bàn thờ Chúa phải thắp bằng đèn trắng thường và đốt trước buổi lễ).
* Kinh nguyện tạ ơn thiên chúa:
Vị trưởng tộc nhà gái hoặc đại diện gia tộc đứng phía trước quay ngang giữa bàn thờ và cộng đoàn để chủ sự lễ nghi.
Chủ sự: Nhân danh cha và con và thánh thần.
Cộng đoàn: Amen.
Chủ sựCầu xin Chúa Thánh thần.
Sau đó nói ít lời như sauKính thưa quý vị bên họ nhà trai. Hôm nay gia tộc chúng tôi có con gái tới tuổi trưởng thành đi lập gia đình, con cháu chúng tôi đã được bên họ đàng trai thương nhận về làm dâu con. Giờ đây trước lúc cháu từ biệt gia đình, bắt đầu cuộc sống mới, chúng tôi xin quý vị và bà con xa gần hiệp cùng chúng tôi, dâng lời cầu nguyện cho đôi trẻ được nên vợ chồng hòa hợp hạnh phúc.
Chủ sự nói tiếpLạy Chúa là gia chủ chúng con, hôm nay là ngày trọng đại của gia đình này, một người con trong gia đình sắp từ giã cha mẹ, anh chị em, từ giã mái ấm đã chung sống bao năm nay, để đi xây dựng một gia đình mới, cùng với người chồng đã tự do chọn lựa, chúng con là những người thân, họ hàng,lối xóm, bạn bè xa gần, tụ họp trước tôn nhan xin Cha luôn nâng đỡ để người con của Cha trở nên con dâu hiếu thảo với cha mẹ chồng, sống thuận hòa với gia đình chồng. Xin cho đôi vợ chồng mới này được yêu thương mãi mãi, xây dựng cho gia đình ngày một hạnh phúc hơn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Cộng đoàn: Amen.
Cô dâu và chú rể đặt nến lên bàn thờ,vị trưởng tộc đốt 3 nén hương trao chú rễ và cô dâu mỗi người một nén vị trưởng tộc bái trước, sau đó chú rễ cùng cô dâu bái 3 lần trước bàn thờ rồi cắm hương. (Nếu trong nhà còn thờ ai nửa thì cứ thắp mỗi nơi 3 nén hương).
Chủ sự”Bây giờ chúng ta hãy xin Mẹ Maria nâng đỡ người con của Mẹ được chu toàn bổn phận của mình”.
Cộng đoàn: Hát bài ”Xin Vâng”.
1. Mẹ ơi đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng: "Xin Vâng". Mẹ ơi đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó, xin Mẹ dạy con hai tiếng: "Xin Vâng".
2. Mẹ ơi đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng: "Xin Vâng". Mẹ ơi đường đi phủ đầy bóng tối, bẫy chông giăng tràn muôn lối, xin Mẹ dạy con hai tiếng: "Xin Vâng".
ÐK: Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng "Xin Vâng", hôm qua, hôm nay và ngày mai. Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng "Xin Vâng", hôm nay, tương lai và suốt đời.
* Kính nhớ tổ tiên:
Chú rể và cô dâu cùng đọcChúng con là ……….. và …………vừa dâng nén hương để tỏ lòng thành kính và biết ơn Tổ tiên, ông bà, xin các ngài phù hộ cho tình yêu của chúng con.
- Cô dâu chú rể bái 1 lần rồi quay sang cha mẹ nhà gái.
Cám ơn cha mẹ:
Cô dâu nóiThưa ba má kính mến, hôm nay con về nhà chồng, bước sang quảng đời mới với trách nhiệm mới, tuy không còn sống chung trong gia đình với ba mẹ anh chị em, nhưng lòng con không bao giờ dám quên công ơn sinh thành dưỡng dục của ba mẹ. Con quyết lòng sống đẹp với mọi người, chu toàn bổn phận và hết lòng trung thành với Chúa để đền đáp công ơn ba mẹ, xin Chúa gìn giữ Ba mẹ khỏe mạnh (có thể Cô dâu và chú rễ bái 1 lần hoặc chế luôn không bái tùy gia đình).
Cô dâu và chú rễ cùng hát bài: ”Cầu cho cha mẹ”
1. Xin Chúa (í a) chúc lành, cho đời cha mẹ của con. Công ơn là như núi non dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau.
2. An vui cũng như đau buồn, luôn đẹp tấm lòng mẹ cha. Ai qua là bao chốn xua, thấy đâu vui cho bằng mái nhà. Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời, dù xa vô bờ vẫn nhờ đến tình mẹ cha.
ĐK. Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời. Cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan.
Ghi chú: Nếu cha mẹ cô dâu mất, thì nói câu này trước bàn thờ cha mẹ, hoặc 1 người bị mất, thì người còn lại (cha hoặc mẹ) đứng cạnh bàn thờ của người đã bị mất.
Xin dâu:
Trưởng tộc nhà trai”Kính thưa quý ông bà và họ nhà gái, nghi lễ đã đầy đủ và mọi tâm sự đã được giải bày. Giờ đây xin phép quý ông bà cho chúng tôi đón cháu về để nhập tiền thành hôn”.
Vị đại diện họ nhà gái:
“Kính thưa họ nhà trai, chúng tôi vui mừng và cám ơn tấm thịnh tình quý vị dành cho chúng tôi và đặc biệt cho con gái chúng tôi, 2 gia đình chúng ta đã như một, chúng tôi rất sung sướng gởi cháu …….. …..cho anh ………….. và gia đình ông bà. Mong ông bà nâng đỡ các cháu để gia đình mới hạnh phúc lâu bền. Trước khi đi gia đình họ đàng gái chúng tôi có cho cháu 1 ít kỷ vật và quà để hộ thân xin họ nhà trai nén lại dùng tiệc trà cùng chúng tôi.”
Gia đình nhà gái tặng quà cho cô dâu, nhà trai ngồi dùng tiệc trà trước khi nói vài lời chia tay.

Phần 3:
Tại nhà trai (nhập gia)
Đoàn rước dâu về tới nhà trai, mẹ chú rể dắt cô dâu vào nhà trước. trưởng tộc, cha chú rể và chú rể cùng đoàn rước dâu vào nhà sau (theo phong tục cổ truyền).
Nghi lễ trình diện thiên chúa và tổ tiên:
Chủ sự: (Về đây chủ sự là trưởng tộc nhà trai) Nhân danh cha và con và thánh thần.
Cộng đoàn: Amen.
Chủ sựKính lạy Thiên chúa là cha của chúng con và là gia chủ của chúng con. Kính trình các bậc tổ tiên ông bà. Hôm nay là ngày vui mừng cho gia tộc chúng con nói chung và gia đình này nói riêng, vì có thêm 1 người con người cháu trở nên thành viên của gia đình và dòng tộc, trước tôn nhan thiên chúa, trước bàn thờ kính nhớ tổ tiên ông bà, gia tộc chúng con xin trình diện đôi tân hôn này. Xin Chúa thương chúc lành, xin các bậc tổ tiên ông bà chứng giám, xin bà con 2 họ và quý khách xa gần cùng hợp lời cầu nguyện cho đôi trẻ được sắt cầm hòa hợp, trăm năm hạnh phúc.
* Đốt đèn: Cô dâu, chú rể cùng đốt 2 cây nến (đã được cắm sẳn trên bàn thờ tổ tiên), cho cháy đều một lúc.
* Trình diện Chúa và tổ tiên: Trưởng tộc thắp 3 nén hương, trao cho chú rễ và cô dâu mỗi người 1 nén, trưởng tộc lạy trước, theo thứ tự bàn thờ Chúa rồi đến tổ tiên. Sau đó chú rễ cùng cô dâu cũng bái 3 lần trước bàn thờ Chúa và tổ tiên, sau đó cắm vào lư hương hay bát hương trên bàn thờ tổ tiên (nếu trong nhà còn thờ ai thì lấy thêm hương nhỏ đốt và lạy tiếp mổi nơi 3 lạy theo thứ tự trưởng tộc lạy trước, cô dâu và chú rễ lạy sau).
* Bái chào cha mẹ: Sau đó chú rể và cô dâu quay mặt trở lại chào cha mẹ chồng (chấp tay cúi đầu chào thôi, không lạy)
* Bái chào nhau: Cô dâu và chú rể quay mặt vào nhau, (chấp tay, cúi đầu chào nhau 3 lần)
Công Bố Lời Chúa: (Phần đọc lời Chúa này không nhất thiết là vị trưởng tộc bên nào, quan trọng là chúng ta phân công trước để có người thực hiện)
Lời Chúa trong thư thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Ê-phê-sô:
Thưa anh em, vì lòng kính sợ Ðức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Kitô là Ðầu của Hội Thánh, chính Người là Ðấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.
Đó là Lời Chúa.
Tạ ơn Chúa.
Lời nguyện Cộng Đoàn: (Sau khi công bố Lời Chúa, vị chủ sự đọc những lời nguyện sau)
Chủ sựKính lạy Chúa là Cha của chúng con, chúng con là cha mẹ, họ hàng bạn hữu của đôi tân hôn xin dâng lên Cha những lời cầu xin tha thiết. Xin Cha thương ban muôn ơn lành cho hai người để nên một gia đình hạnh phúc. Xin cho họ gắn bó trung thành yêu thương nhau mãi mãi. Xin cho họ biết quảng đại tha thứ khuyết điểm của nhau, luôn chu toàn nhiệm vụ làm chồng, làm vợ, hầu cho gia đình ngày thêm bền vững. Chúng con cầu xin Chúa.
CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.
Chủ sựXin Cha thương chúc lành cho đôi bên thông gia chúng con được luôn thông cảm với nhau, cùng nhau giúp đôi vợ chồng mới hòa hợp hạnh phúc. Xin Chúa đổ tràn hồng ân cho những người đã làm ơn cho chúng con, chú bác cô dì và nhiều người khác mà chúng con không thể kể hết ra đây. Xin cho mọi người hiện diện được hồn an xác mạnh và đầy thánh ân Cha. Chúng con cầu xin Chúa.
CĐ: Xin Chúa nhận lời chúng con.
Kết thúc:
Cộng đoàn hát bài: ”Đâu có tình yêu thương” hoặc bài ”Hồng ân Thiên Chúa bao la.”
ÐK1: Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la. Xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên. Ðôi bàn tay Chúa nâng đỡ con, xin dâng lời cảm tạ. Cho đời con vững một niềm tin, xin dâng lời cảm mến. Ðôi bàn tay Chúa dẫn con đi, xin dâng lời cảm tạ. Tay hồng ân Chúa đưa con về, xin dâng lời cảm mến. Chúa cho con trời mới đất mới, đường đời con đổi mới. Con (i) ca ngợi lòng thương xót Chúa muôn muôn đời.
1. Ðời đời Người đã thương con, đời đời Người vẫn thương con, thương con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh, Chúa thương yêu ấp ủ con đêm ngày.
2. Nhiệm mầu tình Chúa cao siêu, loài người được Chúa nâng niu, nâng niu tựa con ngươi trong mắt Chúa, Chúa nâng niu gìn giữ luôn đêm ngày.
Chủ sự tuyên bố kết thúc:
”Nghi thức trình diện và cầu nguyện cho đôi tân hôn đã kết thúc, kính mời quý ông bà, quý khách, cùng quý bà con anh em hai họ an tọa, mời họ hàng thân tộc của chú rễ tặng quà cho đôi tân hôn” (lần lượt giới thiệu từng người tặng quà theo thứ tự lớn trước nhỏ sau).
Ghi chú: Chúng ta có thể tiến hành lễ rước dâu xong rồi sang nhà thờ làm lễ hôn phối và sau đó về nhập gia đàng trai, nhưng theo tôi thì ta nên tiến hành tất cả nghi lễ ngoài đời trước và đến nhà thờ sau, cho phần nghi thức tôn giáo thêm trang trọng. Để sau đó nhà trai có thể mời nhà gái cùng linh mục làm lễ hôn phối cũng như ca đoàn ăn bửa cơm trưa thân mật.
SƯU TẦM